/*--
*/

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Cao tốc Long Thành Dầu Giây - Tăng tốc cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam



TT - Sau gần hai năm khởi công xây dựng, tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM - Đồng Nai) dài 55km đã có hình hài với hàng chục kilômet đường đang gia tải, nhiều nhịp cầu cạn đã vươn dài và những thân trụ cầu bắc qua nhiều con sông to, sông nhỏ đã vươn cao.

Thi công trụ cầu Long Thành nối Q.9 (TP.HCM) và huyện Long Thành (Đồng Nai) - Ảnh: Thuận Thắng
Theo thiết kế, có trên 10km đường cao tốc được xây trên cao. Trong ảnh: một mố cầu đang được xây dựng ở Q.9, TP.HCM - Ảnh: T.Thắng
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ngô Thịnh Đức, việc hoàn thành xây dựng tuyến đường cao tốc này đang là một yêu cầu cấp bách. Bởi vì hiện nay tốc độ tăng trưởng giao thông rất cao trong vùng kinh tế trọng điểm này đang rất cần con đường cao tốc.
Việc xây dựng đường cao tốc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi và quan trọng gắn kết ba trung tâm kinh tế lớn ở khu vực phía Nam là TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo hành lang công nghiệp - kinh tế dọc theo tuyến đường cao tốc hướng ra hệ thống cảng Thị Vải, Vũng Tàu. Con đường này sẽ kết nối và phát huy hiệu quả với mạng lưới giao thông đã có ở TP.HCM như đại lộ Đông - Tây, cầu Phú Mỹ, đường vành đai phía đông.
Giao lộ đường liên tỉnh 25B (đại lộ Đông - Tây) - Lương Định Của (Q.2) là điểm đầu dự án tuyến đường cao tốc này. Từ đây nối đến đường cao tốc chính ở Q.9 dài 4km. Cảnh quan hai bên đường cao tốc rất thưa thớt nhà dân. Tại công trường của gói thầu 1B, hàng trăm chiếc dầm cầu nằm trên bãi đúc. Những nhịp dầm dài 40m và nặng 70 tấn này sẽ được nhà thầu lắp đặt khi xây xong trụ cầu.
Không khí sôi động nhất ở gói thầu số 2 là công trình xây dựng cầu Long Thành (nối Q.9, TP.HCM và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) dài 1,7km. Đây là chiếc cầu dài nhất và là chiếc cầu đầu tiên của đường cao tốc bắc qua sông Đồng Nai do những người thợ của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 và 8 thi công.
Nhìn từ xa là hàng trăm trụ của cầu cạn làm đường dẫn nối với cầu Long Thành, mỗi chiếc cách nhau khoảng 40m ngày càng vươn cao. Trên đỉnh trụ cầu cao 26m nhìn xuống hàng trăm trụ cầu phía trước có thể hình dung được cây cầu này trong tương lai như thế nào. Trên toàn tuyến cao tốc này có khoảng 20 chiếc cầu như thế được thi công.
Tại gói thầu số 3 ở Nhơn Trạch, số lượng công nhân làm việc ở đây ít hơn các gói thầu khác do nhà thầu sử dụng nhiều thiết bị hiện đại. Trên công trường này có hai đơn vị thi công Nhật và Hàn Quốc đang hoạt động không ngừng nghỉ. Dù công trình đã sử dụng nhiều thiết bị để chống nền đất yếu nhưng các kỹ sư ở công trường chỉ hi vọng tuyến đường cao tốc này sẽ không bị lún như đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đại lộ Đông - Tây ở TP.HCM, vì họ cho rằng rất khó lường những diễn biến xảy ra trong lòng đất.
Ông Lê Cao Hiển, phó Ban quản lý dự án đường cao tốc, cho biết cuối năm 2013 con đường sẽ hoàn thành. Lúc đó, từ TP.HCM đi Vũng Tàu sẽ rút ngắn được 20km so với đi lối xa lộ Hà Nội và quốc lộ 51. Khi có đường cao tốc người dân Q.9 (TP.HCM) và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) không còn bị cách trở bởi sông, rạch và đường về TP.HCM rất gần.
Không chỉ kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Đông Nam bộ, đường cao tốc này còn kết nối với sân bay quốc tế Long Thành (kế hoạch xây dựng vào năm 2015) và rút ngắn thời gian hành trình đến sân bay mới này.
Đây là con đường khởi đầu để nối dài với các tuyến đường cao tốc khác trong dự án tuyến đường cao tốc Sài Gòn - Tây nguyên - Hà Nội. Bộ Giao thông vận tải cũng vừa phê duyệt xây dựng đường cao tốc từ Dầu Giây đi Phan Thiết dài 101,2km và theo quyết định mới đây của Thủ tướng Chính phủ, sẽ triển khai dự án tuyến đường cao tốc từ Dầu Giây đi Đà Lạt dài 189km.
Sơ đồ hướng tuyến của đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Đồ họa: V.cường
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng chiều dài 55km, trong đó có 51km là đường cao tốc được thiết kế cho xe chạy vận tốc 120km/giờ và 4km đoạn từ giao lộ liên tỉnh lộ 25B - Lương Định Của (còn gọi là nút giao An Phú) đến đường vành đai 2 (Q.9) được xây dựng là đường đô thị. Đoạn từ nút giao An Phú đến Long Thành dài 23,9km đi qua các quận 2 và 9, TP.HCM và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai). Đoạn từ Long Thành đến Dầu Giây dài 31,1km đi qua các huyện Long Thành, Cẩm Mỹ và Thống Nhất (Đồng Nai).
Dự án có tổng vốn đầu tư 932,4 triệu USD gồm vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) và vốn của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2013. Vận tốc thiết kế của đường này tương tự như thiết kế của đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương mà hiện nay Bộ Giao thông vận tải cho phép chạy tối đa 100km/giờ.
                       Theo Tuổi trẻ online ngày 03/09/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Powerade Coupons