Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam |
* Sự kiện Ngân hàng Vietinbank vừa ký hợp đồng tài trợ vốn cho dự án nhà TNT Kiến Hưng (Hà Đông – Hà Nội) với khoản vay lên tới 300 tỷ đồng trong bối cảnh các ngân hàng đang phải chịu sức ép về thắt chặt tín dụng. Ông nhận định thế nào về việc này?
Tôi nghĩ rằng, chúng ta đã có những động thái đáng khích lệ và đúng hướng, ngân hàng bắt đầu “nới van” cho các dự án nhà ở, đặc biệt là đối với những dự án nhà ở TNT.
Việc ký kết tài trợ vốn của Ngân hàng Vietinbank lần này cũng minh chứng cho hoạt động uyển chuyển mềm mại hơn từ phía các ngân hàng, đồng thời khẳng định chủ trương của Đảng và nhà nước trong vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, chống lạm phát.
* Theo quy định, các dự án nhà TNT sẽ được vay vốn từ Ngân hàng phát triển với lãi suất ưu đãi, nhưng tại sao chủ đầu tư dự án này là Vinaconex Xuân Mai lại phải vay tiền từ một ngân hàng khác với lãi suất thương mại?
Quyết định 67 của Thủ tướng quy định, các doanh nghiệp phát triển nhà ở TNT được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng phát triển Việt Nam nhưng cho đến nay, số lượng dự án cũng như lượng vốn mà Ngân hàng phát triển Việt Nam tài trợ cho các dự án TNT còn rất hạn chế.
Theo tôi, ở đây có 2 khía cạnh. Về phía khách quan, Ngân hàng phát triển cũng có những khó khăn nhất định trong việc huy động vốn trên thị trường mà Chính phủ lại giao nhiệm vụ huy động vốn cho rất nhiều chương trình, nhiều dự án quan trọng.
Nhưng về phía chủ quan, tôi cho rằng lãnh đạo Ngân hàng phát triển Việt Nam cũng chưa nhận thức đúng cái tầm quan trọng, chưa tham gia mạnh mẽ, thể hiện vai trò của mình một cách đúng mức trong chính sách nhà ở TNT. Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải ngân hàng thương mại, và khi vay ngân hàng thương mại thì giá thành sẽ đổ vào đầu người mua.
Vay với lãi suất thương mại vẫn được xem là động thái tích cực trong bối cảnh siết chặt tín dụng (ảnh phối cảnh nhà TNT Kiến Hưng) |
* Ông từng nói rằng để tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp cần tập trung vào phân khúc có tính thanh khoản cao nhưng ngay cả dự án nhà TNT trong thời gian gần đây cũng lình xình chuyện bị “ế”. Vậy thì doanh nghiệp làm sao mà thoát khỏi bế tắc về vốn được?
Tôi xin khẳng định là nhà TNT không ế tý nào. Cụ thể như ở dự án nhà TNT Sài Đồng do Handico làm chủ đầu tư, tôi kiểm tra rất cụ thể trong số khoảng 420 căn hộ đã được khách hàng đăng ký mua nhà, chỉ có 20 người không ký hợp đồng (chiếm chưa đến 5%), còn lại tất cả đều đã ký hợp đồng.
Một dự án khác nhà TNT Đặng Xá (Gia Lâm) do Viglacera làm chủ đầu tư, hiện nay số khách hàng nộp đơn mới được trên một nửa so với gần 1000 căn hộ là do UBND Tp Hà Nội giới hạn đối tượng theo địa bàn, còn đúng ra theo chính sách là toàn bộ người dân ở trên thành phố Hà Nội là đều được quyền mua.
Về việc này, chúng tôi đã có văn bản gửi UBND Tp Hà Nội đề nghị có điều chỉnh lại mở rộng đối tượng đúng theo quyết định 67 và không giới hạn theo địa bàn. Nhu cầu về nhà ở xã hội hiện nay vẫn rất cao vì thế cũng ko thể nói là thừa.
* Nhiều ý kiến cho rằng, nhà TNT ở Hà Nội còn cao hơn nhà thương mại ở Tp HCM. Ông nghĩ sao?
Chỉ tính riêng ở Hà Nội, giá nhà giữa các dự án là khác nhau. Chúng ta đang tổ chức phát triển nhà TNT chủ yếu theo cơ chế thương mại có sự hỗ trợ và kiểm soát của nhà nước. Ví dụ như doanh nghiệp phải đền bù GPMB cho người dân theo giá thị trường, rồi mỗi nơi một khác, mức độ hoàn thiện, vị trí, quy mô căn hộ các dự án khác nhau khiến giá thành cũng khác nhau.
Bởi vậy, ngay trong ở Hà Nội chúng ta cũng không thể so sánh giữa các dự án với nhau. Còn giữa Hà Nội với Tp HCM lại càng không thể có sự so sánh bởi từ xưa đến nay, nhà ở Hà Nội luôn đắt hơn Tp HCM…
Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét